Ở bài viết này Nha247.vn sẽ hướng dẫn trường hợp xin cấp giấy phép xây dựng mới dựa vào các căn cứ:
– Luật Xây dựng số 50/2014/QH13;
– Nghị định số 64/2012/NĐ-CP: Về cấp giấy phép xây dựng.
– Thông tư 15/2016/TT-BXD: Hướng dẫn về cấp giấy phép xây dựng;
I. Phân loại Giấy phép xây dựng
– Giấy phép xây dựng mới;
– Giấy phép sửa chữa, cải tạo;
– Giấy phép di dời công trình.
II. Trình tự thực hiện
Trước tiên chủ đầu tư (chủ nhà) cần kiểm tra xem dự án của mình có đáp ứng được các điều kiện để được cấp phép xây dựng không TẠI ĐÂY
1. Bước 1
Chủ đầu tư (chủ nhà) chuẩn bị hồ sơ theo quy định và nộp 02 bộ hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của cơ quan có thẩm quyền.
Khoản 2 Điều 17 của Thông tư 15/2016 quy định như sau:
a) Bộ Xây dựng cấp giấy phép xây dựng đối với công trình cấp đặc biệt;
b) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phân cấp cho Cơ quan cấp phép cấp giấy phép xây dựng đối với các công trình xây dựng cấp I, cấp II; công trình tôn giáo, công trình di tích lịch sử – văn hóa, công trình tượng đài, tranh hoành tráng đã được xếp hạng thuộc địa giới hành chính do mình quản lý; những công trình trên các tuyến, trục đường phố chính trong đô thị theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; công trình thuộc dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài; công trình thuộc dự án và các công trình khác do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phân cấp;
c) Ủy ban nhân dân cấp huyện cấp giấy phép xây dựng các công trình còn lại và nhà ở riêng lẻ ở đô thị, bao gồm cả nhà ở riêng lẻ trong khu vực đã được Nhà nước công nhận bảo tồn thuộc địa giới hành chính do mình quản lý, trừ các đối tượng quy định tại các Điểm a, b, d Khoản này;
d) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thể phân cấp cho Ban quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao; Ban quản lý các khu đô thị cấp giấy phép xây dựng cho các công trình thuộc phạm vi quản lý của các cơ quan này, trừ các công trình nêu tại Điểm a Khoản này.
Xem bài viết sau để biết hồ sơ xin phép gồm những gì? TẠI ĐÂY
2. Bước 2: Cơ quan cấp phép tiếp nhận hồ sơ và kiểm tra hồ sơ
+ Trường hợp hồ sơ đầy đủ và hợp lệ thì cấp biên nhận hồ sơ có ngày hẹn trả kết quả trao cho người nộp.
+ Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ hoặc chưa hợp lệ thì hướng dẫn để người nộp hoàn thiện hồ sơ.
3. Bước 3: Giải quyết hồ sơ
+ Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Cơ quan cấp phép phải tổ chức thẩm định hồ sơ, kiểm tra thực địa.
Khi thẩm định hồ sơ, Cơ quan cấp phép phải xác định tài liệu còn thiếu, tài liệu không đúng theo quy định hoặc không đúng với thực tế để thông báo một lần bằng văn bản cho chủ đầu tư bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ.
Trường hợp hồ sơ bổ sung chưa đáp ứng được yêu cầu theo văn bản thông báo: trong thời hạn 05 ngày làm việc, Cơ quan cấp phép có trách nhiệm thông báo bằng văn bản hướng dẫn cho chủ đầu tư tiếp tục hoàn thiện hồ sơ. Chủ đầu tư có trách nhiệm bổ sung, hoàn thiện hồ sơ theo văn bản thông báo.
Trường hợp việc bổ sung hồ sơ vẫn không đáp ứng được các nội dung theo thông báo:Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ khi nhận được hồ sơ bổ sung, Cơ quan cấp phép có trách nhiệm thông báo đến chủ đầu tư về lý do không cấp giấy phép.
4. Bước 4
Căn cứ quy mô, tính chất, loại công trình và địa điểm xây dựng công trình có trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng, Cơ quan cấp phép có trách nhiệm đối chiếu các điều kiện theo quy định để gửi văn bản lấy ý kiến của các cơ quan quản lý nhà nước về những lĩnh vực liên quan đến công trình xây dựng theo quy định của pháp luật;
+ Trong thời gian 12 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ, các cơ quan quản lý nhà nước được hỏi ý kiến có trách nhiệm trả lời bằng văn bản về những nội dung thuộc chức năng quản lý của mình. Sau thời hạn trên, nếu các cơ quan này không có ý kiến thì được coi là đã đồng ý và phải chịu trách nhiệm về những nội dung thuộc chức năng quản lý của mình; Cơ quan cấp phép căn cứ các quy định hiện hành để quyết định việc cấp giấy phép xây dựng;
5. Bước 5
Trong thời gian 30 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Cơ quan cấp phép phải xem xét hồ sơ để cấp giấy phép.
Trường hợp đến thời hạn cấp giấy phép nhưng cần phải xem xét thêm: Cơ quan cấp phép phải thông báo bằng văn bản cho chủ đầu tư biết lý do, đồng thời báo cáo cấp có thẩm quyền quản lý trực tiếp xem xét và chỉ đạo thực hiện, nhưng không được quá 10 ngày kể từ ngày hết hạn theo quy định.
Trường hợp hồ sơ không đủ điều kiện để cấp giấy phép xây dựng trong thời hạn quy định, Cơ quan cấp phép thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do cho chủ đầu tư biết.
6. Bước 6
Chủ đầu tư nhận kết quả tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của Cơ quan cấp phép theo thời hạn ghi trong giấy biên nhận.
Các biểu mẫu và tờ khai cấp giấy phép xây dựng mới
– Đơn đề nghị cấp giấy phép xây dựng (Mẫu tại Phụ lục số 1 Thông tư số 15/2016/TT-BXD ngày 30/6/2016 của Bộ Xây dựng);
– Bản kê khai năng lực, kinh nghiệm của tổ chức, cá nhân thiết kế (Mẫu tại Phụ lục số 3 Thông tư số 15/2016/TT-BXD ngày 30/6/2016 của Bộ Xây dựng).
Xem thêm các bài viết khác về Giấy phép xây dựng tại đây